Cả thế giới đang bàng hoàng về chiến tranh giữa Nga và Ukraine, một cuộc chiến không cân sức và không khoan nhượng. Dẫu vậy Ukrain vẫn kiên cường chiến đấu để dành độc lập. Chúng ta không biết hồi kết sẽ ra sao nhưng rất thương những người dân Ukraine. Họ đang chiến đấu ở nhiều lãnh vực: đói khát, đau thương, sợ hãi, chia ly, mất mát…
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đồng cảm với họ trong cuộc chiến chống lại satan, nhưng trận chiến của Ngài chiến thắng vinh quang. Qua gương chiến đấu của Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta trong mùa chay thánh này bước vào cuộc luyện tập thiêng liêng và can đảm nhìn vào mình để biết con người thực của mình, một con người mỏng dòn yếu đuối với biết bao lầm lỗi để vươn lên. Nhưng chiến đấu với chính mình không phải là chuyện giản đơn, nếu không biết mình. Chiến đấu với những khuynh hướng ăn sâu và chi phối con người như danh vọng, tiền tài, sắc dục thật không giản đơn như chúng ta lầm tưởng. Chúa Giêsu cũng đã từng bị cám dỗ như thế khi Ngài vào nơi thanh vắng ăn chay cầu nguyện và sống thân mật với Cha. Nhưng Chúa đã toàn thắng vì Ngài luôn tuân phục ý Cha.
Câu truyện của K. Elizabeth trong Mùa Chay thánh này phải làm cho chúng ta suy nghĩ nhiều:
Ngày nay tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, người ta thường thấy một bà lão già nua, đi lang thang khắp các đường phố, chìa ra cho khách qua đường xem một chiếc nhẫn vàng đã xỉn màu và lặp đi lặp lại:
– Hãy tha lỗi cho tôi… Xin làm ơn, tha lỗi cho tôi!
Bà lão ấy tên là Yoko.
Người ta kể lại câu truyện về bà như sau:
Vào năm 1945, lúc ấy Yoko 14 tuổi, mồ côi cha mẹ. Cô chỉ còn lại bà ngoại là người thân thích.
Trước khi chết, vì nghèo khổ, bà ngoại cô đã gửi cô đến giúp việc cho một gia đình giàu có. Bà luôn nhắc đi nhắc lại với cô như một lời trăn trối: Cháu phải luôn chăm chỉ, đáng tin và trung thực. Nếu không thì hãy coi chừng, tai họa lớn đấy!
Một ngày kia ông chủ của Yoko qua đời. Chỉ có một mình cô bên cạnh khi ông ta chết. Cô đã ăn cắp chiếc nhẫn trên tay người chết và bỏ trốn. Khi Yoko băng qua một ngọn đồi, chỉ trong một khoảnh khắc, một quầng lửa lớn bỗng bùng lên xé nát bầu trời. Ánh sáng chói lòa phủ chụp xuống! Yoko ngất lịm đi. Lúc đó là 8g15 ngày 15/8/1945, giờ phút kinh hoàng khi quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima và biến tất cả thành một đống tro tàn.
Khi tỉnh dậy, Yoko không còn nhớ gì ngoài lời dặn dò của bà ngoại.
Từ đó trở đi, trong cơn điên loạn, Yoko lang thang khắp nơi, tìm một ai đó để xin lỗi nhưng họ đều đã chết cả rồi.
Cô Yoko bị cám dỗ ăn cắp nhẫn vàng của người chết vì cô đang nghèo khó. Cô đã không kiềm chế được mình dù lời khuyên của bà ngoại luôn luôn văng vẳng bên tai cô.
Flor McCarthy cũng kể câu truyện như sau: Một thầy Rabbi danh tiếng muốn biết được lòng con người đã làm một trắc nghiệm như sau: ông gọi ba người đi đường vào nhà và lần lượt hỏi từng người một:
Ông hỏi người thứ nhất: “Nếu anh nhặt được một túi tiền vàng trên đường đi, anh sẽ làm gì?”
Anh trả lời không cần suy nghĩ: “Tôi sẽ trả lại cho chủ nhân ngay nếu tôi biết.”
Ông gắt lên: “Đồ điên rồ.”
Ông quay sang người thứ hai: “Còn anh?”
Anh trả lời cách rất tự tin: “Tôi không bao giờ trả lại cho chủ của. Dại gì để của trời cho lọt khỏi tay mình.”
Thầy rabbi lên giọng: “Đồ vô lại.”
Ông nhìn người thứ ba: “Còn anh thì sao?”
Anh ngập ngừng trả lời: “Tôi không biết tôi sẽ làm gì? Nhưng tôi chắc một điều là tôi có thể sẽ bị khuynh hướng xấu lôi kéo. Sự ham muốn xấu thôi thúc tôi làm cho tôi chiếm hữu những gì thuộc về người khác chăng? Tôi không biết. Nhưng nếu Thiên Chúa, Ngài là Đấng tốt lành giúp tôi chống lại khuynh hướng xấu tôi mới có thể trả lại tiền cho chủ nhân.”
Thầy Rabbi hô to trong tiếng cười đắc thắng: “Câu trả lời của anh thật tuyệt vời! Anh là người khôn ngoan thật.”
Thầy Rabbi gọi người thứ nhất là “điên rồ” vì anh không biết mình, anh tưởng mình mạnh đủ để chống lại chước cám dỗ giữ tiền. Không ai chắc chắn mình sẽ không ngã. Người ta ngã vì nghĩ mình không ngã. Thánh Phaolo đã cho chúng ta cái kinh nghiệm này: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.” Người biết mình yếu nên luôn luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Thầy Babbi gọi người thứ hai là “đồ vô lại” vì ông chiếm những gì không thuộc về mình. Vì người như thế, chước cám dỗ là cơ hội để ông làm giầu bằng mồ hôi nước mắt của người khác.
Thầy Rabbi khen người thứ ba là người tốt và khôn ngoan. Ông khôn ngoan vì ông biết mình cũng yếu đuối như mọi người. Ông cần sự trợ giúp của Chúa ông mới có thể làm điềi tốt lành.
Tất cả chúng ta đều yếu đuối và ngả về sự xấu xa. Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận sự thật này.
Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự xấu nơi xã hội, nơi gia đình nhưng nhất là phải chiến đấu nó nơi chính bản thân mình. Đây là sự dữ căm go nhất. Chúng ta được sinh ra với những lôi kéo của sự thiện và sự ác trái chiều nhau. Nên làm điều tốt không bao giờ dễ.
Cám dỗ của Chúa Giêsu hôm nay không phải là một màn kịch biểu diễn. Nó là sự thật. Cám dỗ của Ngài là cám dỗ của chúng ta trong mọi thời đại: tìm của cải vật chất, tìm vinh danh mình hơn vinh danh Thiên Chúa, khai trừ Thiên Chúa và tôn thờ quyền lực trần gian. Chiến thắng của Chúa Giêsu không phải một lần cho tất cả. Cả cuộc đời Chúa luôn phải chiến đấu lại những cám dỗ làm cho Chúa không đi con đường Cha đã định. Chúng ta cũng vậy, luôn luôn có những sức mạnh kéo chúng ta xa Chúa, chúng ta phải đẩy lùi nó. Nhiều người nghĩ mình đã tới trạm dừng khi chiến thắng cám dỗ. Chúa Giêsu không bao giờ tới trạm dừng, các thánh cũng vậy. Chúng ta không bao giờ được ngưng nghỉ, thánh Phaolo nói: Ma quỉ như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Xác thịt và thế gian còn nguy hiểm hơn nữa. Nhưng Thiên Chúa luôn ở với ta trong khi chiến đấu, Ngài giúp ta chiến thắng. Thánh Augustino nói: Chỉ qua cám dỗ chúng ta mới biết mình. Chúng ta sẽ không có triều thiên nếu không chiến thắng. Và sẽ không được hưởng vinh quang của chiến thắng nếu không giao tranh. Và sẽ không có giao tranh nếu không có quân thù cám dỗ.
Ma quỉ cám dỗ Chúa Giêsu biến đá thành bánh. Nó cám dỗ Chúa dùng quyền năng của mình để cho dân những của vật chất mà dân muốn. Nhưng Chúa biết cải vật chất sẽ không bao giờ thỏa mãn được sự ham muốn vô độ của con người. Nhiệm vụ của Ngài là nuôi linh hồn dân bằng Lời Thiên Chúa.
Đây là cám dỗ cho dân những cái dân muốn hơn là những cái dân cần. Cám dỗ này sẽ làm hài lòng dân chúng vì cho họ những điều làm thỏa mãn họ tức khắc, nhưng họ lại không muốn những cái thực sự họ cần.
Chúng ta có những cái đói sâu sa và những cái cần lớn lao. Trái tim chúng ta chắc chắn không cần bánh. Bánh là cái cần cho thân thể. Sau khi hóa bánh ra nhiều để nuôi dân trong sa mạc, dân chúng trở lại tìm Chúa để được ăn bánh nhưng Chúa từ chối: Đừng tìm thực phẩm mau qua nhưng hãy tìm lương thực trường tồn. Thực phẩm tinh thần phải ưu tiên hơn thực phẩm vật chất.
Cám dỗ thứ hai là xây dựng một vương quốc trần thế, cai trị bằng quyền lực chứ không phải bằng tình yêu. Thật dễ dàng khi kiểm soát họ hơn là yêu họ, thống trị họ hơn là phục vụ họ. Chúa Giesu đến không phải để cai trị nhưng là để phục vụ. Người không biểu dương quyền lực nhưng là vét rỗng chính mình để trở nên tôi tớ mọi người. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ thay thế tình yêu bằng quyền lực.
Cám dỗ thứ ba là làm những việc lạ lùng để biểu diễn, để phô trương tài ba, ý tưởng này rất hấp dẫn. Một tài năng xuất chúng như thế sẽ làm cho Ngài nổi tiếng khắp Giêrusalem. Chúa Giesu từ chối vì Ngài không muốn những người hâm mộ la hét. Người muốn những người theo Ngài đi vào con đường âm thầm khiêm nhu nhỏ bé.
Trong cuộc đời công khai chúng ta thấy Chúa Giêsu từ chối làm phép lạ ngay cả khi Ngài bị ép phải làm. Vì Đức tin không phải là trò ma thuật, không phải ép Thiên Chúa làm theo ý mình nhưng là làm theo ý Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đến xây dựng nước Thiên Chúa không phải theo con đường của satan đề nghị.
Cả ba cám dỗ đều có chung một nội dung là đặt của cải vật chất và vinh quang trần thế trên hết. Thiên Chúa và tinh thần xuống thứ yếu. Đây là cám dỗ của Giáo hội và của tất cả chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ chối biến đá thành bánh, từ chối nhẩy màn biểu diễn, từ chối cai trị bằng quyền lực để đi vào con đường tự hủy của Cha.
Cám dỗ không bao giờ ngưng nghỉ, chúng sẽ trở lại khi có cơ hội. Cám dỗ dọc dài qua cuộc đời của Ngài. Và cả khi sắp kết thúc sứ mạng, kẻ cám dỗ cũng không buông tha Ngài: “Nếu ông là Đấng Messia, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin.”
Đối với Chúa Giêsu chống lại chiếc cám dỗ không dễ dàng và chúng ta, những người theo Ngài, chúng ta cũng phải vào những trận chiến như thế. Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra thân phận mỏng dòn của mình để xin sự trợ giúp của Ngài. Ngài đi trước Ngài biết chúng ta phải làm gì để chiến thắng. Ngài sẽ tha thứ và và nâng chúng ta lên khi chúng ta vấp ngã nếu chúng ta luôn tín thác vào Ngài.